Bạn,
Đông Bích xin chia sẻ tuần này bài viết về nghề garment merchandiser để có thể hiểu rõ hơn công việc đầy áp lực này.
Merchandiser trong dệt may về tổng quan là cầu nối kết hợp các bộ phận phòng ban khác từ kho, kế toán, kế hoạch, kỹ thuật (may mẫu, định mức, sơ đồ), Thiết kế (ODM), Sản xuất, QC, QA, phòng cắt, hoàn thành và xuất nhập khẩu, các nhà cung cấp nguyên liệu, phụ liệu, dịch vụ in, thêu, wash, nhuộm, đính cườm, nhồi bông… tới khách hàng để tạo sự đồng bộ nhịp nhàng nhất có thể thu xếp được căn cứ vào nhu cầu và khả năng của hai (hoặc nhiều hơn các) bên.
Với những yêu cầu “đa nhiệm” khổng lồ như vậy, nhân viên merchandiser thường rất dễ rơi vào việc mất kiểm soát tiến độ / hoặc loss nếu chỉ 1 trong các bên không đạt đúng chất lượng, đúng tiến độ cũng như vượt khung chi phí đã chốt với khách hàng
Thông thường ở các công ty lớn, merchandiser sẽ chia làm các division (bộ phận) theo chủng loại sản phẩm ví dụ :Top // Bottom // Knit // Denim… và mỗi bộ phận là 1 business unit thu nhỏ bao gồm merchandiser, may mẫu, kỹ thuật rập sơ đồ…
Công việc chính của Merchandiser đương nhiên là theo dõi đơn hàng, từ khi vừa có “tim thai” (tức là khi khách hàng dạm ngõ – chào giá) cho tới khi mang nặng đẻ đau (chuẩn bị phát triển, làm giá, và đồng bộ NPL, NL, book năng lực sản xuất, sản xuất…) đến khi chào đời và ra đời (sản xuất thực tế, kiểm hàng, xuất hàng ra cảng, nhận hàng và nhận tiền thu về) Nghe qua chỉ đơn giản như vậy thôi, nhưng đằng sau đó là cả 1 môn khoa học, môn khoa học của sự đồng bộ nhịp nhàng theo tiến độ đã trù bị trước với khách hàng, với nhà cung cấp (còn gọi là các nhà thầu phụ) và với đơn vị sản xuất (trong nhà máy của công ty hoặc đơn vị sub-contract) và các đơn vị nội bộ cùng triển khai đơn hàng
Ở các đơn hàng của các khách hàng lớn, khối lượng công việc đồ sộ của merchandiser (hoặc 1 team merchandiser) sẽ bao gồm việc phát triển mẫu vải chính và các nguyên liệu chính theo yêu cầu kỹ thuật (từ tech-pack), phát triển bộ sưu tập và chọn chất liệu (ODM) rồi tới bước so sánh giá vải và các nguyên liệu chính ở các nước chuyên về chủng loại đó, cộng thêm giá nhập khẩu (CIF) rồi quyết định chọn nhà cung cấp nào trên các cơ sở giá và chất lượng, sau đó, merchandiser tiến hành chọn nhà máy sản xuất dựa trên yêu cầu của khách hàng về nhà máy (ví dụ Vietnam rất mạnh về áo sơ-mi và giày, Thổ nhĩ kỳ rất mạnh về đồ lót cao cấp, vải woven sọc kẻ ở Thái Lan rất đẹp, vải may áo sơ mi ở nhà máy X. Indo rất đẹp, thun cotton ở Ai Cập – NCC Y. chất lượng rất tốt..) và cam kết tiến độ với nhà máy Z. về thời gian đồng bộ các nguyên liệu và phụ liệu cũng như cam kết tiến độ giao hàng với khách hàng ở 1 thời điểm đã xác định
Công đoạn chuẩn bị chiếm thời gian phần lớn của merchandiser, thông thường, việc chuẩn bị càng chu đáo nhịp nhàng, có tính toán kỹ lưỡng, có theo dõi từ task chi tiết, có risk management kỹ lưỡng và có phương án B (phương án dự phòng) từ đầu càng tốt bao nhiêu, thì tới phần sản xuất, sẽ bớt nhức đầu bấy nhiêu. Ở các đơn hàng và khách hàng lớn, thông thường sẽ phát triển trước 6 – 12 tháng, ví dụ ở tháng 5/2018 merchandiser đã phát triển xong NPL và book capacity (đặt năng lực sản xuất) với nhà máy và tiếp tục chu trình công việc chuẩn bị cho mùa Xuân Hè 2019.
NỖI KHỔ OT: Với các khách hàng ở Mỹ, vì lệch múi giờ, các merchandiser vì muốn linh động công việc, thông thường đều ở lại làm thêm tới 19h, 20h tối, là giờ các nhân viên khách hàng ở Mỹ và Châu Âu đã di làm để công việc được trôi chảy hơn, qua các công ty sourcing sản phẩm dệt may lớn nhất tại Việt Nam, bạn sẽ ngạc nhiên khi 9h tối vẫn sáng đèn
Vất vả là như vậy, nhưng những ai vượt qua, và hưởng thụ niềm vui làm việc trong tiến độ cao, cường độ khắc nghiệt và bắt buộc mở rộng mối quan hệ liên tục từng ngày, cũng như chịu được áp lực khủng khiếp, sẽ trau dồi và phát triển kỹ năng lên mức cao nhất và sẽ có cơ hội có được quan hệ xã hội, thu nhập và thăng tiến ở nhiều công việc khác về sau cũng như sẽ có cơ hội được làm việc ở nhiều quốc gia.
Bạn có ở trong nghề này, bạn có kỷ niệm lý thú hay kinh nghiệm bổ ích gì để chia sẻ với chúng tôi? Hãy comment ở hộp sau nhé!